Điều hoà ô tô có mùi hôi, nguyên nhân và cách xử lý

Điều hoà ô tô có mùi hôi là nỗi ám ảnh khó tả, tuy nhiên nếu tìm được nguyên nhân thì có thể xử lý một cách dễ dàng.

Nguyên nhân điều hòa ô tô có mùi hôi

Có nhiều nguyên nhân khiến điều hoà xe ô tô có mùi hôi như:

Dàn lạnh, đường ống bị ẩm mốc

Nếu vừa vào xe, bật điều hoà thấy có mùi hôi, mùi chua… thì rất có thể dàn lạnh, hệ thống đường ống của điều hoà xe đã bị ẩm mốc. Đa phần điều hoà có mùi lạ là bởi lý do này. Nguyên nhân dàn lạnh, hệ thống đường ống bị ẩm mốc chủ yếu vì sau khi tắt máy, xe bị đóng kín cửa, nhiệt độ tăng cao, điều hoà chưa kịp khô nên bị tụ ẩm. Thời gian dài dần dần phát sinh nấm mốc gây mùi khó chịu. Đây là lý do vì sao nhiều chuyên gia thường khuyên trước khi tắt máy xe hãy tắt điều hoà và để chế độ quạt gió tầm 2 – 3 phút để ngăn tình trạng tụ ẩm.

Hộp quạt gió/khoang máy xe có xác động vật

Điều hoà ô tô bị mùi còn có thể do hộp quạt gió, khoang máy xe có xác động vật như chuột, thằn lằn… mắc kẹt bên trong. Khi điều hoà xe hoạt động sẽ bị nhiễm mùi hôi nồng khó chịu. Ngoài ra điều hoà có mùi hôi cũng có thể do hộp quạt gió bị dính nước tiêu động vật như chuột. Đa phần trường hợp điều hoà có mùi khai là xuất phát từ nguyên nhân này.

Lọc gió bị bẩn

Như ta đã biết về nguyên lý hoạt động hệ thống điều hòa ô tô, quạt hút gió trong điều hoà sẽ lấy không khí từ bên ngoài. Trước khi đi vào hệ thống, không khí sẽ đi qua một lọc gió để lọc sạch bụi bẩn, nấm mốc, phấn hoa, thậm chí lá cây… Chính vì đảm nhận vai trò lọc bụi bẩn nên chỉ sau một thời gian ngắn lọc gió điều hoà xe sẽ bị bám bẩn rất nhiều.

Đây chính là lý do lọc gió điều hoà cần được thay mới sau mỗi 20.000 km vận hành. Thậm chí với đất nước có khí hậu nóng ẩm như ở Việt Nam thì lọc gió còn được khuyến cáo nên thay thế sớm hơn. Nếu chậm thay thế lọc gió, để lọc gió bám đầy bụi bẩn thì hiệu quả lọc bụi sẽ không còn cao, chất lượng không khí không đảm bảo.

Đây là một trong các nguyên nhân khiến điều hoà ô tô có mùi, thường là mùi khét. Chậm thay lọc gió còn dễ làm giảm hiệu suất hoạt động của điều hoà, khiến điều hoà làm lạnh chậm, tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn.

Quạt gió điều hoà bị bẩn

Quạt gió điều hoà bị bẩn dễ khiến điều hoà ô tô bị mùi khét. Nếu thấy quạt gió trục trặc, nhất là yếu hơn bình thường thì rất có thể đã bị bám bẩn nặng.

Khoang động cơ có trục trặc

Điều hoà ô tô bị mùi khét có khả năng xuất phát từ khoang động cơ. Một hoặc một số các chi tiết trong hệ thống vận hành xe bị trục trặc cũng dễ ảnh hưởng đến hệ thống điều hoà xe.

Nội thất có mùi

Đôi khi máy lạnh xe có mùi hôi không hẳn từ máy lạnh mà có thể từ nội thất xe như sàn xe, ghế xe, trần xe… bị ẩm mốc; túi, hộc, hộp, cốp sau… có thức ăn lâu ngày chưa xử lý. Vì vậy nếu thấy máy lạnh xe bị mùi nên kiểm tra kỹ nội thất xe và cốp sau xe.

Cách xử lý điều hoà ô tô có mùi hôi

Để khử mùi điều hòa ô tô triệt để cần tìm được nguyên nhân điều hoà ô tô bị mùi. Tuỳ theo nguyên nhân mà sẽ có các cách xử lý khác nhau.

Tự vệ sinh điều hoà tại nhà

Nếu điều hoà ô tô bị mùi do bị ẩm mốc, bụi bẩn bên trong thì nên vệ sinh điều hoà ô tô. Cách khử mùi điều hòa xe ô tô khá đơn giản trong trường hợp ẩm mốc nhẹ. Do đó có thể tự thực hiện tại nhà. Chủ xe chỉ cần mua chai xịt vệ sinh ô tô chuyên dụng hoặc tự pha giấm trắng với nước để tạo dung dịch vệ sinh điều hoà xe.

Vệ sinh điều hoà tại garage

Với trường hợp dàn lạnh và đường ống bị ẩm mốc nặng hoặc hộp quạt gió bị kẹt xác động vật hay nhiễm nước tiểu động vật… thì nên đưa xe đến garage để kiểm tra và xử lý triệt để. Ở đây họ có các quy trình khử mùi vệ sinh toàn bộ hệ thống điều hoà bao gồm dàn lạnh, dàn nóng, quạt gió, hệ thống đường ống… rất chuyên nghiệp.

Thay lọc gió điều hoà

Nếu lọc gió điều hoà quá bẩn dù chưa đến thời hạn thay lọc gió, chủ xe cũng nên chủ động thay lọc điều hoà mới để giúp xe tránh bị mùi khó chịu cũng như giúp hệ thống điều hoà hoạt động tốt hơn.

Vệ sinh nội thất xe

Điều hoà ô tô bị mùi cũng có thể do nội thất xe bị ẩm mốc. Do đó để khử mùi hôi triệt để cũng nên chủ động vệ sinh nội thất xe. Hiện nay trên thị trường có các loại bình xịt vệ sinh nội thất xe chuyên dụng rất tiện lợi. Chủ xe có thể mua về và tự vệ sinh nội thất xe tại nhà.

Bên cạnh đó cũng cần kiểm tra lại các chi tiết dễ bị ẩm mốc, phát sinh mùi hôi bên trong nội thất như thảm sàn, trần xe, ghế xe… Nếu các chi tiết này đã cũ kĩ, xuống cấp nặng thì nên thay mới.

Thảm sàn có thể dùng các loại thảm sàn cao su hay thảm sàn 6D để vệ sinh dễ dàng hơn đồng thời ngăn ẩm mốc. Bọc trần có thể chọn bọc trần 5D. Loại bọc trần này ít bám bẩn, ít hút mùi, đặc biệt dễ vệ sinh hơn loại trần nỉ nguyên bản theo xe. Ghế xe, nhất là ghế nỉ rất dễ bẩn và có mùi. Vì vậy nếu xe nguyên bản dùng ghế nỉ thì nếu có thể cũng nên nâng cấp bọc da ghế xe.

Cách phòng tránh điều hoà ô tô bị mùi

Để phòng tránh điều hoà ô tô bị mùi nên sử dụng điều hoà ô tô đúng cách. Đầu tiên là tập thói quen tắt máy lạnh đồng thời bật chế độ quạt gió từ 2 – 3 phút trước khi tắt máy xe. Điều này sẽ giúp ngăn tình trạng điều hoà bị tụ ẩm. Bên cạnh đó nên thay lọc gió điều hoà, vệ sinh điều hoà định kỳ đúng hạn. Hạn chế hút thuốc hay dùng thức ăn đồ uống nặng mùi trong xe.

Bên cạnh đó chú ý chọn chế độ lấy gió phù hợp. Khi vừa lên xe nếu xe đóng kín cửa thời gian dài nên chọn điều hoà lấy gió ngoài để giúp không khí trong xe thông thoáng hơn. Nếu đi qua khu vực nhiều khói bụi ô nhiễm, nặng mùi nên chọn chế độ lấy gió trong.

Không nên sử dụng các loại nước hoa ô tô, sáp thơm khử mùi hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bởi các loại này không chỉ không có tác dụng khử mùi mà còn dễ làm xe bị mùi nặng hơn, đồng thời ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng. Thay vào đó có thể thanh lọc không khí, khử mùi ô tô bằng tinh dầu ô tô chiết xuất tự nhiên hay sử dụng các loại máy khử mùi ô tô chuyên dụng.

Minh Thắng