Honda CR-V 2018 sở hữu nhiều nâng cấp đáng giá so với thế hệ hiện tại, từ thiết kế nội, ngoại thất cho đến hệ dẫn động. Những liệu chừng đó có đủ để thuyết phục khách hàng Việt Nam?
Kể từ khi được trình làng cách đây 23 năm trước, CR-V vẫn luôn là một trong những sản phẩm trụ cột của Honda. Dòng crossover cỡ vừa của hãng xe Nhật đã có 5 đời sản phẩm, được bán tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với doanh số vượt ngưỡng 9 triệu chiếc. Tại Việt Nam, Honda CR-V có mặt từ năm 2008 và đến nay đã bán ra khoảng 25.000 xe. Honda CR-V cũng luôn là cái tên được săn đón cả trên thị trường xe mới và xe cũ. Chỉ cần bỏ ra vài phút tra cứu, chúng ta dễ dàng tìm thấy những chiếc CR-V đời 3 hoặc 4 được rao bán tại khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Tháng 11/2017, Honda Việt Nam đã chính thức trình làng CR-V thế hệ thứ 5 với ba biến thể E, G và L với độ cao cấp tăng dần. Giá bán đề xuất của cả ba phiên bản lần lượt là 1,136 tỷ đồng; 1,176 tỷ đồng và 1,256 tỷ đồng. Cả ba phiên bản đều được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan. Do ảnh hưởng của Nghị định 116 nên mức giá hiện tại của CR-V là mức giá áp dụng cho lô xe CR-V đầu tiên được HVN nhập khẩu từ trước năm 2018 nên vẫn chịu mức thuế 30%. Lô xe tiếp theo hứa hẹn sẽ có mức giá tốt hơn.
Đối với rất nhiều khách hàng mua xe gầm cao có giá bán khoảng 1 tỷ đồng, sự chênh giá cả trăm triệu đồng là rất lớn. Nhóm khách hàng chính của Honda CR-V ở Việt Nam là những người mua xe để phục vụ gia đình, những người đang tìm kiếm những chiếc xe đem lại nhiều giá trị so với giá bán nhất. Đó là lý do vì sao khi giá bán chính thức của CR-V 2018 được công bố, đã có không ít khách hàng tiềm năng đành “buông” ý định mua CR-V dù rất tiếc nuối. Vậy còn những khách hàng vẫn nhất quyết “cưới” CR-V 2018 thì sao? Họ nhận được một chiếc SUV gia đình “ gần như hoàn hảo”.
Ngoại thất đột phá
Tôi ít khi dùng từ “đột phá” khi miêu tả một mẫu xe mới nhưng với CR-V 2018, có lẽ từ này cũng không thể lột tả hết những sự thay đổi ngoại thất của nó. Tái thiết kế CR-V một cách triệt để như vậy là một hành động đầy táo bạo. Dòng CR-V chiếm ¼ doanh số của Honda tại Bắc Mỹ và cũng luôn là một trong hai mẫu xe bán chạy nhất của Honda Việt Nam. Vì lẽ đó, bất cứ hành động nào khiến nhóm khách hàng trung thành “mếch lòng” (chẳng hạn như thay đổi hoàn toàn thiết kế) cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ tổn thất doanh số nặng nề.
Ấy thế mà Honda CR-V thế hệ thứ 5 vẫn mang một bộ áo rất mới lạ và táo bạo, hệt như cách Civic thế hệ thứ 10 khiến cả thế giới sửng sốt. Phần đầu xe được tạo hình đậm chất cơ bắp với cụm đèn full LED sắc sảo được gắn liền với mặt ca lăng hình lục giác. Cụm đèn LED có thiết kế tương tự Honda Civic và Honda Accord với các phần tử LED được ngăn cách riêng, tạo nên ánh mắt vô cùng sắc sảo và có hồn. Đèn trên bản G và L có thể tự động điều chỉnh góc chiếu và tự động tắt theo thời gian. Riêng bản CRV 1.5 E tiêu chuẩn thì đèn pha là loại bóng Halogen và không tự động điều chỉnh góc chiếu.
Ở giữa mặt ca lăng là biểu tượng Honda sáng bóng, nổi bật trên nền các họa tiết nhựa đen hình lục giác. Tấm cản trước cũng mang thiết kế sắc sảo và đậm nét hơn hẳn kiểu thiết kế đơn giản của CR-V thế hệ thứ 4. Ở khu vực này, chúng ta có hàng loạt chi tiết mạ crôm với các mảng, miếng nổi khối, ôm trọn hai cụm đèn sương mù LED. Chưa hết, các đường gân dập nổi trên nắp ca-pô cũng góp phần khiến diện mạo CRV 2018 thể thao và cá tính hơn nhiều so với thế hệ trước.
Nhìn từ bên hông, trục cơ sở được nới rộng giúp chiếc xe trông bề thế và to lớn hơn. Honda CR-V 2018 có kích thước tổng thể Dài x Rộng x Cao là: 4.584 x 1.855 x 1.679 mm, chiều dài cơ sở: 2.660 mm. Như vậy, CR-V 2018 dài hơn, rộng hơn, và có chiều dài cơ sở dài hơn 40 mm so với thế hệ cũ. Khoảng sáng gầm xe CR-V 2018 đạt 198 mm, bán kính vòng quay tối thiểu 5,9 mét.
Phần hông xe sở hữu nhiều đường dập nổi táo bạo với những điểm nhấn bắt mắt. Đó là đường mạ crôm chạy dọc phần thân dưới hay bậc lên xuống có thiết kế nổi bật và nhất là bộ la-zăng 18 inch mang hình dáng như những chiếc phi tiêu, rất độc đáo và lạ mắt. Cả ba phiên bản đều có gương chiếu hậu chỉnh điện, gập điện và tích hợp đèn báo rẽ dạng LED. Honda vẫn duy trì tỷ lệ kính/kim loại ở mức vừa phải – có vừa đủ diện tích kính cửa sổ để người ngồi trong cảm thấy thoáng đãng nhưng phần cửa xe nhìn vẫn rất dày dặn. Phần cửa sổ nhỏ phía sau trụ C giờ đây đã thực sự hữu ích vì lần đầu tiên, Honda CR-V đã có hàng ghế thứ 3. Người ngồi ở hàng ghế thứ 3 sẽ cảm thấy bớt bí bách hơn.
Phần đuôi xe vẫn nổi bật với 2 cụm đèn hậu dạng LED có thiết kế rất độc đáo được kết nối bởi một thanh mạ crôm to bản với biểu tượng Honda quen thuộc. Phần “lưng gù” của thế hệ trước đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là phần đuôi xe đẹp hơn nhiều với những đường gấp khúc dứt khoát. Cánh gió sau có thiết kế thể thao hơn và tích hợp đèn báo phanh dạng LED. Một điểm nhấn đáng hoan nghênh khác là cụm ống xả dạng đôi được đặt đối xứng hai bên. Thêm vào đó, cửa khoang hành lý có thể mở điện chỉ bằng một nút bấm chìa khóa hoặc nút bấm trong cabin. Nhìn chung, ngoại thất chiếc Honda CR-V 2018 đẹp hơn và tiện dụng hơn nhiều so với thế hệ trước. Xét riêng về mặt ngoại thất, CR-V 2018 xứng đáng là một phiên bản “all-new”!
Nội thất nâng tầm
Cá nhân tôi luôn đánh giá cao những nâng cấp về nội thất hơn là ngoại thất, đơn giản vì một không gian rộng rãi và tiện nghi sẽ phục vụ hành khách trong xe tốt hơn là vẻ bề ngoài hào nhoáng. Điều ấy không có nghĩa là ngoại thất CR-V 2018 kém ấn tượng, chỉ là những nâng cấp toàn diện ở bên trong chiếc xe mới là thứ đáng giá hơn, ít nhất là đối với tôi.
Bước vào trong xe, bạn sẽ choáng ngợp bởi một khoang cabin hoàn toàn khác biệt so với CR-V đời 4. Hãy nhìn bức hình so sánh dưới đây.
Sự khác biệt là rất rõ ràng ngay cả khi bạn chưa trực tiếp ngồi vào khoang cabin của CR-V thế hệ mới. Vô lăng có thiết kế mới tương tự Honda Civic thế hệ thứ 10 với 3 chấu và đầy đủ nút bấm chức năng, bao gồm các nút điều hướng menu, nút tăng giảm âm lượng kiểu cảm ứng, đàm thoại rảnh tay và nút kích hoạt ga tự động (cruise control). Viền vô lăng được làm tương đối dày dặn và bọc da mềm mại, cho cảm giác cầm khá thoải mái với độ bám tốt.
Tính năng giám sát tình trạng người lái cũng khá hữu ích. Xe sẽ thông báo bằng cách rung vô lăng và âm thanh để cảnh báo người lái.
Sau vô lăng là bảng đồng hồ trung tâm kiểu màn hình TFT có giao diện rất đẹp mắt và trực quan, hiển thị đủ thông tin cần thiết. Ở chế độ hiển thị mặc định, tua vòng máy được hiển thị ở trên cùng, tốc độ xe được biểu thị bằng con số nổi bật ở giữa màn hình và bên dưới cùng là mức tiêu thụ xăng theo thời gian thực. Người lái không cần “liếc ngang liếc dọc” vì hầu hết những thông tin cơ bản đều được hiển thị rõ ràng ngay trước mắt. Tất nhiên, sẽ tốt hơn nhiều nếu CR-V 2018 có trang bị hiển thị trên kính lái HUD.
Bảng táp lô của CR-V 2018 vẫn mang thiết kế dạng tầng đặc trưng của Honda nhưng tất cả các thành phần đã được sắp xếp lại một cách gọn gàng và hiện đại hơn nhiều. Hai khe gió điều hòa hai bên màn hình trung tâm đã được đưa lên trên cao, màn hình nhỏ phía trên đã được loại bỏ. Những vân gỗ điểm xuyết xung quanh khoang cabin là điểm nhấn khá đẹp mắt, dù đó chỉ là nhựa in giả vân gỗ. Khoang nội thất Honda CR-V không chỉ được nâng cấp về mặt thị giác mà còn được nâng tầm về mặt xúc giác. Bảng táplô được bọc nhựa mềm, tỷ lệ da bọc trên táp pi cũng nhiều hơn so với thế hệ cũ.
Nằm ở trung tâm bảng táp lô là một màn hình cảm ứng 7 inch có thiết kế “tràn viền” khá độc đáo, tạo ấn tượng màn hình lớn hơn kích thước thực tế. Màn hình có giao diện HondaLink tương tự Civic thế hệ 10, có độ nhạy, độ tương phản và màu sắc tương đối tốt. Hệ thống thông tin giải trí HondaLink hỗ trợ cả Apple CarPlay và Android Auto, cho phép sử dụng tính năng điều khiển bằng giọng nói để gọi điện, nhắn tin SMS, sử dụng bản đồ hay điều hướng.
Tính năng Cruise Control là khá hữu dụng nếu như bạn thường xuyên di chuyển xa.
Bên cạnh đó, một cải tiến nhỏ nhưng khá tiện dụng là núm chỉnh âm lượng nay đã được đặt riêng ở góc trái màn hình. Tôi vẫn thích chỉnh âm lượng bằng núm này hơn là sử dụng phím âm lượng cảm ứng trên vô lăng. Hơn nữa, hành khách phía bên cũng có thể chủ động điều chỉnh âm lượng nhạc hay đài FM, thay vì sử dụng chức năng “ra lệnh bằng giọng nói” đối với người lái!
Khu vực bên dưới màn hình là cụm chỉnh điều hòa (bản G và L có điều hòa 2 vùng tự động, bản E tiêu chuẩn chỉ có một vùng). Dưới nữa là khu vực cần số và các phím chức năng. Chúng ta có cần số mang thiết kế chắc chắn, dày dặn hơn, nút kích hoạt phanh tay điện tử, nút giữ phanh khi dừng đèn đỏ (Brake Hold) và nút kích hoạt chế độ lái xe tiết kiệm ECON.
Tôi khá thích vị trí đặt cần số trên CR-V 2018, nó khiến thao tác buông tay phải khỏi vô lăng, vào số mình muốn và lại đưa tay phải về vô lăng thực sự dễ dàng – bạn không cần phải kéo hẳn tay phải về phía sau để chuyển số giống như khi lái những chiếc xe khác. Có thể thấy các kỹ sư Honda đã nghiên cứu kỹ thói quen lái xe của người dùng để bố trí từng phím chức năng, từng bộ phận trên xe sao cho hợp lý nhất, dễ nắm bắt nhất. Từ các nút bấm trên vô lăng cho đến các nút bấm ở táp pi cửa, tất cả đều rất dễ làm quen. Thực tế mà nói, Honda CR-V 2018 là một trong những chiếc xe tôi làm quen nhanh nhất. Một chiếc xe gia đình phải thân thiện với người lái tối đa, phải cung cấp mọi thứ họ muốn một cách khoa học nhất, ở vị trí dễ thấy nhất thay vì “đánh đố” người lái.
Honda là một hãng xe tối ưu không gian nội thất xe rất tốt. Từ chiếc Honda Fit tí hon với thiết kế ghế “Magic Seat” độc đáo đến chiếc CR-V mà chúng tôi trải nghiệm, chưa bao giờ các kỹ sư Honda khiến chúng tôi thất vọng về không gian nội thất. Khu vực yên ngựa trung tâm có đầy đủ các cổng kết nối cần thiết, bao gồm 2 cổng điện 12V/180W, 2 cổng USB 1.0A và 1.5A, 1 cổng HDMI.
Khay chứa đồ nằm ngay dưới cần số có thể để vừa 1 chiếc điện thoại cỡ lớn hoặc ví tiền, trong khi 2 hộc đựng cốc trung tâm có thể chứa vừa các chai nước có dung tích 1 lít. Chưa hết, tấm khay nằm dưới bệ tì tay trung tâm còn có thể tháo rời để bạn nhét vừa … vài cái iPad hoặc 1 chiếc túi xách cỡ vừa! Khu vực để đồ ở giữa 2 ghế trước của CR-V 2018 thực sự linh hoạt và rộng rãi nhất trong phân khúc crossover 5+2 chỗ, một điều đáng lưu tâm nếu bạn mua xe để phục vụ gia đình.
Cả 7 ghế ngồi trên xe đều được bọc da khá mềm mại, ít mùi hắc, ghế lái chỉnh điện 8 hướng. Ghế lái và ghế hành khách phía trước có thiết kế ôm trọn lưng và hông người ngồi, đặc biệt nâng đỡ vùng lưng dưới rất tốt, đảm bảo người lái đỡ mỏi thắt lưng nếu phải lái xe nhiều giờ liên tục. Khoảng trống trên đầu, khoảng duỗi chân và khoảng đặt vai ở hai hàng ghế đầu đều ở mức tốt, cá nhân tôi với chiều cao 1m7 không hề thấy bí bách dù ngồi bất cứ đâu trong 5 vị trí phía trên. Một điểm cộng nữa là sàn xe CR-V 2018 ở hàng ghế thứ 2 rất phẳng, phẳng hơn so với Mazda CX-5, điều sẽ khiến người ngồi giữa thoải mái hơn.
Những hành khách ngồi ở hàng ghế thứ 2 được phục vụ bởi 2 cửa gió điều hòa riêng, 2 cổng USB 2.5A và được “hưởng ké” cụm điều hòa trên trần xe cho hàng ghế thứ 3, vốn có thể điều chỉnh tốc độ gió. Hàng ghế thứ 2 có thể ngả lưng, trượt lên xuống và gập phẳng hoàn toàn theo tỷ lệ 40:60 để tăng diện tích chứa đồ. Với hàng ghế 3 gập phẳng, thể tích khoang chứa đồ lên tới 1.110 lít và nếu gập cả hàng thứ 2 và 3, tổng thể tích lên tới 2.146 lít. Nếu chở đủ 7 người, thể tích khoang chứa đồ vẫn còn 150 lít, đủ để chứa hai va li cỡ vừa và một số vật dụng khác.
Phiên bản L cao cấp nhất mà chúng tôi trải nghiệm còn sở hữu cửa sổ trời toàn cảnh chống kẹt có 3 chế độ mở, mang lại cảm giác rộng rãi, thư thái cho hành khách trong xe. Về trang thiết bị an toàn, Honda CR-V 2018 sở hữu đầy đủ công nghệ, tính năng tiêu chuẩn của một chiếc CUV hiện đại: Cân bằng điện tử VSA, Hỗ trợ đánh lái chủ động AHA, ABS, EBD, BA, Hỗ trợ khởi hành ngang dốc HSA, Đèn báo phanh khẩn cấp ESS, Cảnh báo chống buồn ngủ, 6 túi khí, camera lùi 3 góc chiếu, cảm biến lùi v.v.. Honda CR-V thế hệ thứ 5 là một trong những mẫu xe đầu tiên đạt tiêu chuẩn an toàn 5 sao ASEAN NCAP theo khung tiêu chuẩn đánh giá mới trong giai đoạn 2017-2020.
Trải nghiệm đáng tiền
Ngay từ những kilômét đầu tiên đồng hành cùng CR-V 2018, tôi đã nhận thấy đây là một chiếc xe hoàn toàn khác so với phiên bản nó thay thế. Chiếc xe lướt đi cực êm, gần như mọi tạp âm đều không thể lọt vào khoang cabin – một trải nghiệm khá bất ngờ vì xe Honda thường không cách âm quá tốt, trừ Civic thế hệ 10. Điều tưởng chừng như giản đơn này là thành quả của một cuộc cách mạng triệt để.
Kỹ sư trưởng phụ trách dự án Honda CR-V đời 5 là ông Takaaki Nagadome, người bắt đầu sự nghiệp tại Honda với dự án tạo ra huyền thoại NSX đời đầu. Thói quen thường thấy của ông là dùng một thán từ duy nhất để miêu tả chiếc xe ông chịu trách nhiệm thiết kế. Với CR-V đời 5, ông dùng từ “Wow”.
Wow? Có gì ở một chiếc xe gia đình 5+2 mà khiến ta phải ồ lên trầm trồ khi thấy nó? Theo ông Takaaki, đối với dự án CR-V mới, những thách thức ngay từ quá trình lên ý tưởng là không hề nhỏ. Đơn giản vì ông có tham vọng tạo ra một chiếc xe gầm cao không chỉ tiện dụng mà còn sở hữu “cảm giác lái thể thao”. Ông muốn một chiếc xe êm ái ở tốc độ cao, có khả năng kiểm soát địa hình xấu và độ an toàn cao. Đó là những mục tiêu đầy tham vọng, và Takaaki cùng cộng sự đã thực hiện chúng bằng những giải pháp cơ khí đáng nể.
Để tăng cường cảm giác lái, thứ thường bị bỏ qua trên xe CUV, Honda áp dụng hệ thống lái trợ lực điện với bánh răng kép và tỷ số truyền biến thiên theo tốc độ. So với các hệ thống trợ lực sử dụng bánh răng đơn, hệ thống với bánh răng kép hấp thu cả lực điều khiển từ tay người lái lẫn lực bổ trợ từ mô tơ điện. Nhờ một cảm biến mô men xoắn, hệ thống sẽ tính toán và đưa ra lực hỗ trợ tối ưu nhất để người lái thao tác với vô lăng thực sự dễ dàng nhưng không mất hoàn toàn cảm giác lái. Hệ thống lái của CR-V có tỷ lệ biến thiên nằm trong khoảng 20%, tức là ở tốc độ thấp, người lái chỉ cần quay vô lăng 2,3 vòng là tới hai điểm giới hạn (thay vì 3,1 vòng như CR-V thế hệ trước). Điều đó khiến thao tác xoay trở trong địa hình hẹp hoặc đỗ xe trở nên dễ dàng hơn nhiều. Ngược lại, vô lăng sẽ “cứng”, đầm hơn ở tốc độ cao để đảm bảo an toàn khi di chuyển trên cao tốc.
Hệ thống treo cũng được nâng cấp triệt để. Vẫn là kết cấu phuộc nhún kiểu MacPherson phía trước và liên kết đa điểm phía sau quen thuộc nhưng Honda đã nâng cấp những thành phần nhỏ để mang lại hiệu quả lớn. Đầu tiên là các thanh cân bằng trước sau được làm dày dặn hơn và được gắn với tay đòn của hệ thống treo bằng cao su đúc nguyên khối, vốn có kết cấu vững vàng và bền hơn rất nhiều. Chưa hết, lần đầu tiên hệ thống treo của một chiếc CR-V sử dụng các đệm cao su (bushing) có chứa chất lỏng bên trong, thay vì chỉ bằng lõi cao su khô như các mẫu xe cùng phân khúc. Thiết kế cao cấp này đem lại sự êm ái vượt trội và giúp khử rung động do khiếm khuyết mặt đường một cách hiệu quả.
Một khung gầm vững chắc và nhẹ cũng đóng góp không nhỏ vào cảm giác lái, độ cách âm và sự êm ái của chiếc xe. Khung gầm của CR-V đời 5 sở hữu lượng thép cường lực nhiều đến “không tưởng” so với thế hệ cũ. Thép siêu cứng 1500 MPa chiếm tới 13,8% cấu trúc thân xe của CR-V 2018 (con số này trên CR-V đời trước là … 3%); thép cường lực 980 MPa chiếm 11,8% cấu trúc thân xe (loại thép này không xuất hiện trên CR-V đời 4). Phần còn lại của khung gầm và thân vỏ được tạo nên bởi 11,6% thép có độ cứng 780 MPa, 10% thép 590 MPa; 3,1% thép 440 MPa; 6,2% thép 340 MPa và 43,5% còn lại được làm từ thép có độ cứng 270 MPa.
Các kỹ sư cũng cải tiến phương pháp hàn điểm để tiếp tục nâng cao độ cứng và độ bền của khung xe. Ở một số vị trí trọng yếu, khoảng cách giữa các điểm hàn được rút ngắn xuống chỉ còn 20 mm thay vì mức tiêu chuẩn 45 mm. Các mối hàn sát nhau hơn sẽ khiến vị trí hàn bền hơn và đạt độ cứng tốt hơn. Bên cạnh đó, các kỹ sư Honda còn thiết kế các vùng mềm có chủ đích nhằm hấp thụ phần lớn xung lực trong trường hợp tai nạn, góp phần bảo vệ tối đa người ngồi trong xe. Tất cả những nâng cấp “vô hình” này, cộng với thiết kế các tấm thân xe khít hơn, gioăng cửa kín hơn đã khiến trải nghiệm bên trong chiếc CR-V thực sự ấn tượng. Chiếc xe “nuốt” trọn mọi ổ gà theo một cách đầy êm ái và rất cân bằng, vững chắc ở tốc độ cao. Độ ồn tôi đo được chỉ là 69 dBA ở 100 km/h, một con số vô cùng thuyết phục.
Vậy, Honda CR-V 2018 là một chiếc xe rất êm ái, rộng rãi, thoải mái với vô vàn tiện nghi hay nói cách khác – một chiếc xe gia đình tuyệt vời. Nhưng nếu bạn là một người ưa vần vô lăng thì sao? Thì lúc đó, bạn sẽ quan tâm đến việc liệu động cơ 1.5L mới và hộp số CVT có “làm hỏng” trải nghiệm của mình hay không.
Honda CR-V 2018 sở hữu động cơ VTEC Turbo 4 xy-lanh, dung tích 1.5 lít cho công suất 188 mã lực, 240 Nm. Đây là một phiên bản mạnh mẽ hơn của động cơ trên Civic mới. Theo ông Toshikatsu Takanohashi, kỹ sư trưởng phụ trách thiết kế động cơ CR-V 2018, động cơ CR-V mạnh hơn Civic là nhờ thiết kế tuốc-bin, van nạp và van xả mới. Tuốc-bin nhận khí xả của CR-V có thiết kế 9 cánh (thay vì 11 cánh như Civic), với mỗi cánh dài hơn 5 mm và rộng hơn 3 mm. Thiết kế mới này giúp tăng 6% áp lực khí nén.
Trên lý thuyết, cánh quạt tăng áp lớn hơn đồng nghĩa với việc “trễ” nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi gần như không thể cảm nhận sự khác biệt giữa động cơ CR-V và Civic. Một lợi thế rõ rệt của động cơ tăng áp là lực mô-men xoắn tối đa đến rất nhanh và được duy trì trong một khoảng vòng tua rất rộng (với CR-V thì lực mô-men xoắn tối đa 240 Nm có được ở dải vòng tua 2.000 đến 5.000 vòng/phút). Một phép so sánh nho nhỏ: động cơ 2.5 lít nạp khí tự nhiên của Mazda CX-5 2.5L đạt lực mô-men xoắn tối đa 251 Nm ở 4.000 vòng/phút, vòng tua máy ít khi bạn đạt tới khi di chuyển hằng ngày.
Động cơ tăng áp – kết hợp với hộp số CVT thuộc hàng tốt nhất phân khúc, khiến trải nghiệm với CR-V 2018 khác biệt hẳn so với CR-V của “ngày hôm qua” (ý tôi là chiếc CR-V sở hữu động cơ 2.4 lít và hộp số tự động 5 cấp). Chọn số D và hơi nhích chân ga, chiếc xe lướt đi nhẹ nhàng và êm ru, gần như không có bất kỳ một tiếng ồn của động cơ hay hộp số lọt vào cabin. Hộp số CVT phát huy tốt nhất công dụng của nó khi bạn đi kiểu “nhẹ nhàng, tình cảm” như vậy. Nó tận dụng tối đa lực kéo của khối động cơ tăng áp và luôn chủ động giữ tua vòng dưới ngưỡng 2.000 vòng/phút để tiết kiệm xăng, cũng như giảm tiếng ồn động cơ. Tôi tin rằng những khách hàng đang tìm kiếm một chiếc xe gia đình cao ráo, rộng rãi và êm ái sẽ đánh giá cao cách CR-V 2018 lướt đi trên phố.
Chuyển sang chế độ S, chiếc xe tăng tốc dứt khoát hơn hẳn, động cơ luôn được giữ ở ngưỡng trên 2.000 vòng/phút. Thử đạp lút chân ga ở vị trí đứng yên, chiếc xe tăng tốc theo kiểu mượt mà nhưng rất nhanh chóng, chỉ cần khoảng 8 giây là đã đạt ngưỡng 100 km/h. Khi thử đạp thốc ga khi đang di chuyển ổn định ở 80 km/h, hộp số CVT phản ứng rất tốt, gần như ngay lập tức tìm ra tỷ số truyền tối ưu để chiếc CR-V vượt xe dễ dàng. Tuy nhiên, khi đi kiểu “mát ga” thì tiếng ồn động cơ lọt vào cabin hơi nhiều.
Sự phản ứng tương đối tốt điều tôi đánh giá cao ở hộp số CVT của CR-V. Hộp số được thiết kế để tạo cảm giác “lên số” khi động cơ đạt tua vòng giới hạn nhằm mô phỏng trải nghiệm của hộp số có cấp. Khối động cơ 1.5L cũng cho trải nghiệm tương xứng – tôi không cảm thấy “nhớ” động cơ 2.4 của phiên bản trước vì lực kéo rất tốt của động cơ tăng áp này. Dù vậy, những người thực sự muốn tận hưởng từng kilômét đường với “chiến mã” của mình có lẽ vẫn ưu ái hộp số tự động có cấp số thực hơn. Tuy nhiên, với một chiếc SUV/Crossover thì trải nghiệm thể thao không quan trọng bằng trải nghiệm tiện nghi và êm ái. Với tôi, Honda CR-V là một chiếc xe dành cho gia đình, và nó thực hiện rất tốt nhiệm vụ này.
Với giá bán cao nhất trong phân khúc, Honda CR-V không thể trở thành lựa chọn của số đông. 1,256 tỷ đồng (giá niêm yết của bản CR-V cao cấp nhất) là một số tiền không hề nhỏ, nhất là khi nhiều đối thủ đang được áp dụng những chương trình ưu đãi hấp dẫn. Dù vậy, Honda CR-V 2018 là một chiếc xe thực sự đáng tiền. Nó đáng tiền từ thiết kế, chất lượng gia công đến các chi tiết cơ khí và trải nghiệm thực tế. Với tôi, Honda CR-V là chiếc xe gia đình “hoàn hảo” vì nó đáp ứng tốt những nhu cầu của tôi về một chiếc xe gia đình. Tuy nhiên, có bao nhiêu người chịu bỏ một số tiền lớn để mua sự “hoàn hảo” đó thì lại là một câu chuyện khác.